Dạy trực tuyến không là phương thức giảng dạy quá mới mẻ đối với nhiều nơi trên thế giới và một số nơi trong nước. Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) cũng đã có hình thức giảng dạy này trong nhiều năm.

Cụ thể, bước sang thế kỷ 21 chưa lâu, ĐHCT đã có Dokeos để hỗ trợ việc giảng dạy và giao bài tập cho sinh viên. Đến năm 2017 Trường chuyển sang Moodle. Hiện nay công cụ Webex được sử dụng để dạy các lớp hệ vừa học vừa làm đối với một số chuyên ngành, do Trung tâm Liên kết Đào tạo trực tiếp vận hành và quản lý (là những lớp mà người viết tham gia dạy khá nhiều). Không mới nhưng có lẽ “chủ đề” và “xu hướng” dạy và học trực tuyến trở nên nóng khi đột ngột có dịch Covid-19 khiến đồng loạt các cấp học nghĩ tới phương thức này như cách thích ứng với tình hình. Vì phải thích ứng trong thời gian nhanh nên có nơi lúng túng. Việc dạy và học, vì thế, cần nhiều cải tiến để đảm bảo chất lượng cao nhất. Trong bài viết này, tôi xin phép nêu vài quan điểm cá nhân về việc tổ chức dạy và học trực tuyến của Trường ĐHCT.

Trước hết có thể nói, so với rất nhiều nơi, Trường ĐHCT thể hiện sự nhanh nhạy trong đáp ứng phương thức giảng dạy (mà có nơi coi còn) mới, phi truyền thống. Cụ thể, ngay khi có kết luận của Ban Giám hiệu tại thông báo số 386/TB-ĐHCT và công văn số 387/ĐHCT-ĐT ngày 01/3/2020 về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy thì Trung tâm Thông tin và Quản trị Mạng đã gửi email đến cán bộ để giới thiệu và minh họa các ứng dụng và công cụ có trên hệ thống mạng của Trường để cán bộ nhanh chóng áp dụng. Từng ứng dụng có hướng dẫn cụ thể. Ví dụ như ứng dụng Zoom có thể được tìm thấy thông qua https://helpdesk.ctu.edu.vn/day-hoc-truc-tuyen/83-hdsd-zoom. Khi cần tư vấn thêm, giảng viên liên hệ và được cán bộ của Trung tâm hướng dẫn nhiệt tình. Như vậy nền tảng thiết bị và sự hỗ trợ rất ổn. Sau vài hôm “chạy chương trình”, Nhà trường tổ chức lấy ý kiến sinh viên để nâng cao chất lượng. Điều này cho thấy tiếng nói của người học, tức người thụ hưởng dịch vụ giảng dạy được coi trọng để các hoạt động diễn ra hài hòa và đạt mục tiêu mong muốn. Từ những ý kiến của sinh viên và chiêm nghiệm thực tế, tôi xin nêu một số ý kiến.

  1. Thời gian biểu:

Thiết nghĩ, một trong những điều cần lưu ý là khi tổ chức giảng dạy trực tuyến, giảng viên cần theo đúng thời khóa biểu của mình đã được xếp như khi lên lớp truyền thống. Điều này giống như câu “đến hẹn lại lên”. Có thể có giảng viên bỏ qua điều này và chủ động “lên sóng” theo thời gian thích hợp với mình nhưng chưa thích hợp với sinh viên. Nếu có “dạy bù” thì vẫn đảm bảo sinh viên tham gia được.

  1. Có mục tiêu và nội dung cụ thể cho buổi học:

Có lẽ trước mỗi buổi học, giảng viên tương tác với sinh viên qua các phương tiện trên mạng (như email), nêu thật rõ mục tiêu và nội dung của buổi học. Khi yêu cầu sinh viên chuẩn bị bài cho buổi học, giảng viên cần nêu rõ nguồn tài liệu và cần đặt câu hỏi cụ thể để người học chuẩn bị một cách có trọng tâm. Trong các ý kiến của sinh viên, đã có ý kiến cho rằng giảng viên giao bài nhiều quá và dường như quên rằng sinh viên phải học các môn khác nữa.

  1. Tương tác với người học

Việc tương tác với người học dĩ nhiên diễn ra khi quá trình giảng dạy trực tuyến đang được tiến hành. Ngoài việc để sinh viên tự trả lời, cũng như trong giảng dạy trên lớp, giảng viên cần quan sát “đèn tín hiệu” để tạo cơ hội bằng cách mời sinh viên tham gia xây dựng bài nhiều hơn.

Cuối buổi học rất cần có phần tóm tắt để người học nhớ những điều cốt lõi và buổi học không là buổi chat đơn thuần.

Giảng viên nên tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên liên lạc sau buổi học, nhất là email. Hoạt động phụ trội này giống như “giờ văn phòng” (office hours) để sinh viên có cơ hội hỏi lại bài hay tìm hiểu thêm về bài.

Có lẽ hình thức giảng dạy nên tránh là thu sẵn video toàn bộ bài giảng. Có thể giảng viên thu một vài phần nào đó và dành nhiều thời gian tương tác khi lên mạng. Việc quay sẵn và phát cả bài đã quay sau đó đặt câu hỏi có thể làm sinh viên chán lên mạng hay lên mạng nhưng không tiếp thu bài kịp. Tuy nhiên, quá trình của một buổi học trực tuyến rất nên thu lại và tạo thành link để sinh viên xem lại và để những sinh viên ở những nơi mạng internet không ổn định có thể học lại.

  1. Giao tiếp và ngôn ngữ mạng

Cá nhân tôi thấy khi lên mạng sinh viên thích dùng những từ, ngữ có vẻ thoáng hơn khi học trên lớp. Những từ ngữ này, trong nhiều trường hợp có thể làm ngôn ngữ thêm phong phú và thú vị. Vì thế có lẽ giảng viên cho phép sinh viên dùng từ lóng, từ của tuổi teen… để sinh viên cảm thấy thoải mái hơn khi học. Ví dụ, nếu sinh viên nói: “Em chắc toang bài này quá thầy” thì có lẽ chấp nhận được (?). Tuy nhiên, giảng viên cũng cần nhắc nhở sinh viên về việc không lạm dụng những từ, ngữ kiểu này và điều chỉnh khi cần, tạo môi trường ngôn ngữ lành mạnh trên mạng.

Giảng viên nên nói rõ và ghi lại yêu cầu cách sinh viên giao tiếp với mình và với các sinh viên khác qua môi trường mạng để đảm bảo thông tin thông suốt và mục đích giao tiếp đạt kết quả tốt. Ví dụ: giảng viên quy định sinh viên khi nộp bài tập qua email chẳng hạn thì cần đặt tiêu đề email như thế nào để giảng viên nhận biết.

Có sinh viên phản ánh có giảng viên nhận email nhưng không hồi đáp và sinh viên rất ngại hỏi lại. Có lẽ vì thế giảng viên cần luôn trả lời email như tín hiệu “Tôi đã nhận bài” để sinh viên an tâm.

  1. Đánh giá

Mỗi môn học có phương thức đánh giá đi kèm. Các phương thức đánh giá cần trở nên thật linh động khi sinh viên học qua mạng, có xem xét đến khả năng tiếp cận và sử dụng các phương tiện trực tuyến của sinh viên ở các địa phương khác nhau. Nếu như khi lên lớp và học tại Trường, sinh viên có cơ hội sử dụng cơ sở vật chất chung của Trường để học tập thì việc học tập qua mạng sẽ không được như vậy. Và đánh giá toàn bộ môn học qua hình thức dạy trực tuyến có những đặc điểm khác với đánh giá một phần. Mức độ khó của các hình thức đánh giá phụ thuộc ít nhiều vào phương thức giảng dạy. Một trong những hình thức đánh giá dành cho giảng dạy một phần trên mạng (như cách chúng ta đang thực hiện đại trà gần đây) có thể là bài thu hoạch trong đó sinh viên ghi lại những điều cốt lõi mà mình học được và hướng ứng dụng kiến thức đó.

  1. Tiếp nhận và xử lý phản hồi của sinh viên

Giảng viên nên cho sinh viên cơ hội trình bày những phản hồi của họ thường xuyên để chúng ta thấy cái được và cái cần cải tiến. Hình thức trình bày ý kiến có thể là thảo luận chung cuối buổi học và/hoặc email đến giảng viên.

Tóm lại, trong tình hình hiện nay việc giảng dạy trực tuyến là phương thức phục vụ được mục đích giảng dạy ở một mức độ nhất định. Cán bộ hỗ trợ và các phần mềm đầy đủ… là các điều kiện thuận lợi cho giảng viên và sinh viên. Có thể phương thức này khi triển khai, nhất là triển khai nhanh để thích ứng tình hình mà trước khi thực hiện chưa có những buổi hướng dẫn cho cả người dạy và học thì những hạn chế là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trên tinh thần vừa làm vừa hoàn thiện và lắng nghe nhau thì giảng dạy và học tập trực tuyến là trải nghiệm thú vị cho cả thầy và trò, giúp cho cả người cung cấp dịch vụ (dạy) và người hưởng dịch vụ (học) đạt được mục tiêu của mình trong điều kiện mình có. Sự hợp sức trong việc dạy và học trực tuyến giúp thầy và trò thêm gắn bó, nhất là khi các hoạt động ấy giúp tất cả chúng ta vượt qua khó khăn trước mắt. Đây cũng là cơ hội cho chúng ta xây dựng chiến lược dài hạn trước làn sóng phát triển của công nghệ thông tin, biến việc dạy và học trực tuyến như hình thức bổ sung tốt cho các phương thức giáo dục quen thuộc.

Người viết: Huỳnh Văn Hiến - Công đoàn Bộ phận Khoa Ngoại ngữ